Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

NỮ TƯỚNG LÊ CHÂN - Lê Ngọc Phái

Tưởng nhớ nữ tướng Lê Chân nhân kỷ niệm sinh nhật thứ  1994 của bà ( 8.2 Canh Thìn 20 - 8.2 Giáp Ngọ 2014)
                  


Nữ chủ Lê gia thật tuyệt trần
Văn  hay, chí lớn, bậc tài nhân
Tích lương tuyển lính xây căn cứ
Khẩn đất trồng dâu giữ hậu cần
Nợ nước mài gươm mong khởi nghĩa
Thù nhà luyện võ để điều quân
Kiên tâm đợi đến ngày xung trận
Đuổi bọn xâm lăng, diệt nịnh thần.



Hai Bà Trưng hội kiến Lê Chân
Chiến thắng Mê Linh đã tới gần
Đánh đuổi ngoại xâm chung cả nước
Phòng trừ nội gián khắp ba quân
Màu cờ  Âu Lạc tươi muôn nẻo
Ánh lửa Văn Lang sáng bội phần
Giặc Hán thất cơ đành tháo chạy
Rạng ngời nữ tướng của toàn dân!
                         Lê Ngọc Phái   
                            
 Lê Chân sinh ngày 8 tháng 2 năm Canh Thìn (20) ở làng An Biên (Quảng Ninh). Thuở con gái, bà được tiếng là người có đức hạnh, nhan sắc và giỏi võ nghệ lại có tài văn thơ.  Thái thú Tô Định nghe danh, đòi lấy làm tỳ thiếp. Bị bà khước từ, Tô Định căm giận, bức hại gia đình bà. Lê Chân ngầm đem một số người thân đến vùng biển An Dương (Hải Phòng) lập trại trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt thủy hải sản tạo nên một vùng đất trù phú. Bà chiêu dân tứ xứ khai khẩn đất hoang, lập nên xóm ấp, chiêu tập binh mã, sắm sửa vũ khí, tích trữ lương thảo sẵn sàng khởi nghĩa. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, bà đã gia nhập và lập nên nhiều chiến công vang dội. Khởi nghĩa thành công, Lê Chân được Trưng Vương phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức Chưởng quản binh quyền. Năm 43, Mã Viện đưa quân sang phục thù, do tình thế bất lợi căn cứ bị vỡ, Hai Bà Trưng tuẫn tiết. Lê Chân đem quân về lập căn cứ ở vùng núi Lạt Sơn (Hà Nam). Một lần nữa, Mã Viện đem lực lượng lớn tới tấn công, nghĩa quân chống trả quyết liệt nhưng không bảo toàn được lực lượng. Cuối cùng nữ tướng Lê Chân trầm mình xuống sông để bảo toàn danh tiết. Theo truyền thuyết dân gian, trong các lễ hội, 25 tháng 12 năm Quý Mão (43) là ngàybà Lê Chân hy sinh. Cũng có tài liệu nói rằng nữ tướng Lê Chân gieo mình tự vẫn từ đỉnh núi Giát Dâu (căn cứ Lạt Sơn) để khỏi phải sa vào tay giặc  Thời khắc ấy vào buổi chiều ngày 13 tháng 7 năm Quí Mão (43).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét