Cảm niệm
Ngày TỔ SƯ VẮNG BÓNG
NGƯỜI QUA NÚI LỬA
Đã từ áo bụi buông tay
Nghiêng vai trút một lần nầy cho
xong
Ai đi qua gọi biển hồng
NGƯỜI qua núi lửa lau dòng lệ hoa.
NHƯ BÀI KINH TỤNG
Mỗi năm, mỗi một mùa xuân
Mỗi năm, lại mỗi một lần tin xa.
Tổ Sư xưa
Nay vẫn là...
Như bài kinh tụng truyền hoa sử vàng.
SUỐI NGUỒN
Con thuyền chở ánh trăng trong
Giữa ngàn dâu bể trắng dòng ảo hư
Bỗng đâu hiện cánh vô ưu
Pháp âm vọng,
Bước Tôn Sư hiện về.
Vẫn là nơi cõi lầm mê
Vẫn là nghĩa lý Diệu Đề đấy thôi !
Sắc – Không
Mây nổi chân trời
Câu kinh “Không – Sắc”
Nụ cười tâm linh.
Người về hiện bóng an bình
Người đi sáng cả cõi thinh không nầy
Phượng hoàng dẫu lướt ngàn mây
Vườn ta bà vẫn thơm đầy cỏ hoa...
South Dakota, tháng 2/ 2023
Tuệ Như - Mặc Phương Tử.
&&&
KỈNH NIỆM NGÀY LỄ TỔ SƯ VẮNG BÓNG
Mỗi năm, mỗi một mùa xuân
Mỗi năm, lại mỗi một lần tin xa.
Tổ Sư xưa - Nay vẫn là...
Như bài kinh tụng truyền hoa sử
vàng.
Hằng năm, vào ngày mùng 1 tháng 2 âl, Phật Giáo Khất Sĩ nói chung và từng
Giáo Đoàn Khất Sĩ nói riêng trong cũng như ngoài nước đều tổ chức lễ Tưởng Niệm
ngày Tổ Sư vắng bóng.
Tưởng niệm đến công hạnh khai đạo truyền giáo, thắp sáng, rực sáng ngọn
đèn chánh pháp trong từng móc điểm thời gian của Chư Phật, Chư Bồ Tát, lịch đại
Tổ Sư, và những bậc thầy tâm linh vẫn luôn có mặt và đồng hành với những người
tiếp hiện kế thừa hôm nay, để đem lại lợi lạc cho chúng sanh, chư thiên và loài
người. Nhưng nếu sự tiếp hiện kế thừa ấy vẫn luôn được thở theo từng hơi thở của
các Ngài, để nuôi dưỡng nguồn năng lượng Giác Ngộ, Từ Bi, Trí Tuệ, và Giải
thoát. Vì đó là gia tài tâm linh của Đạo Phật từ ngàn xưa và mãi cả ngàn sau.
Từ thời Đức Phật xa xưa, Đức Phật đã được lời tán thán bởi: “ Như người
dựng đứng những gì bị quăng ngả xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường
cho người bị lạc hướng, và đem đèn vào bóng tối cho người có mắt thấy được sắc...”
Và cứ như vậy, qua từng giai đoạn của thời gian, tiếp cận từng thời đại
xã hội, các đấng sứ giả Như Lai vẫn luôn hiện hoá vào đời, truyền tải nguồn
năng lực chánh pháp để người đời bỏ khổ tìm vui, bỏ nẽo gian tà, trở về lẽ phải
nguồn chơn, thấy được khổ, không, vô ngã, nhằm đem lại sự an bình, hạnh phúc
cho số đông của con người.
Từ ý nghĩ ấy, Đức Tổ sư dạy về thành tựu
của sự tu tập: “Thân trong sạch, ấy là xứ Phật, Miệng trong sạch, ấy là Pháp Phật,
Ý trong sạch, ấy là con Phật, và Tâm trong sạch, tức là Đức Phật”.
Những hạt giống tốt sẽ được gieo vào những
vuôn đất mầu mỡ, và cũng nhờ sự dinh dưỡng ấy, cành lá sẽ được xanh tươi, hoa
trái sẽ được thơm ngon, góp phần hương vị từ sự tịnh hoá mầu nhiệm của Thân, Khẩu,
Ý, và Tâm cho cuộc đời.
Vẫn không vượt ra ngoài đời sống phạm hạnh,
thực hành Giới Định Tuệ, trục xoay bất tận từ giáo lý Giác Ngộ, và Giải thoát của
Đạo Phật. Để đi tìm niềm kính tin tôn thờ tối thượng, Đức Tổ Sư cho chúng ta biết
thêm :
“ Thờ cốt tượng đâu bằng thờ kinh
sách học hành, dẫu thờ kinh sách cũng không bằng thờ ông thầy dạy đạo cho mình
hiện đang sống . Nhưng thờ ông thầy kia sao bằng thờ chính bản tâm của mình
trong sạch...” Làm cho bản tâm trong sạch cũng chính là tiếp nối truyền thừa
pháp đăng của Chư Phật, Tổ và các bậc thầy tâm linh đã và đang có mặt trong đời.
Hôm nay, nhân ngày Tưởng niệm Đức Tổ sư
vắng bóng lần thứ 69 năm (1954 – 2023),
chúng ta cùng nghe lại lời giáo huấn của vị đạo sư tâm linh :
“ Chúng ta cần hiểu rẳng; chúng ta
đã có phước đức được sanh trong một thế giới nơi đã có một Đức Phật đến và dạy
Pháp, và chúng ta đã gặp một vị thầy tâm linh, và nhận những giáo huấn của
ngài. Bấy giờ là lúc chúng ta phải dùng cuộc đời làm người quý báu nầy để tiến
bộ trên con đường giải thoát...”
NAM MÔ
BỔN SƯ THÍCH CA M U NI PHẬT.
NAM MÔ
ĐỨC TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG.
Chùa Kỳ Viên,
South Dakota (USA) 10.2.2023.
Tuệ Như (Mặc Phương Tử)