Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

ĐỌC ĐƯỜNG THI “CÀ PHÊ HUẾ” CỦA ÁI KHANH - Châu Thạch

  
                 
                Nhà bình thơ Châu Thạch


ĐỌC ĐƯỜNG THI “CÀ PHÊ HUẾ” CỦA ÁI KHANH
                                                                         Châu Thạch

Những năm gần đây, phong trào làm thơ Đường Luật bổng nhiên khởi sắc khắp 24 tỉnh thành Việt Nam và dần dân, mỗi ngày một thêm phong phú. Khái niệm Đường thi ngày nay đã co giản, không còn hiểu một cách bó hẹp là thơ của một triều đại xa xưa bên Tàu. Đường thi ngày nay được hiểu là một thể loại thơ, có nguyên tắc và chuẩn mực nhất định, giúp cho thi nhân có cơ hôi diễn đạt cảm xúc dễ dàng mà cô đọng. Đó là một sân chơi lý thú cho mọi người yêu văn chương trong nước ta, nhất là người cao tuổi. Thơ Đường Luật ngày nay dần xa rời với điển tích, với chữ nghĩa cầu kỳ, với đối ngẩu nặng nề, mà trở nên gần gủi vớí ca dao, với thơ mới, tạo cho đôi cánh của con chim Đường Thi không xơ cứng, trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát, bay bổng lên cùng các thể lại thơ khác, hòa nhập vào diễn đàn thi ca hiện đại một cách ngoạn mục. Đọc trong các tuyển tập của các chi hội thơ Đường xuất bản khắp nơi, ta tìm được vô số những bài thơ hay, truyền cảm xúc trọn vẹn đến con tim người thưởng thức. Để chứng minh điều đó không khó, một trong những bài thơ như thế của nhà thơ Ái Khanh, thành viên chi hội Đường Thi Đà Nẵng cũng nói lên được phần nào sắc thái của Đường Thi ngày nay:

CÀ PHÊ HUẾ

Sóng sánh hạt huyền lặng lẽ rơi
Tách cà phê nóng mộng mơ đời
Đậm đà hương vị say lòng khách
Ấm áp tâm hồn tỉnh dạ tôi
Em ở phương này thèm giọt đắng
Anh về ngõ ấy khát làn môi
Dịu dàng "áo tím" tình ngây ngất
Ngọt tiếng "dạ thưa" uống cạn lời
                                     Ái Khanh

                                 Nhà thơ Ái Khanh

Hiếm có loại thức uống nào được ưa chuộng nhiều như cà phê. Cà phê đi vào đời sống hằng ngày của nhiều người như người bạn tâm tình nhẹ nhàng, sâu lắng trong những khoảnh khắc buôn vui của cuộc đời.  Từ đó cà phê cũng đi vào thơ, là một đề tài cho thi nhân sáng tác.
Vào vế đầu của bài thơ “Cà Phê Huế”, hai chữ “sóng sánh” đã cho ta thấy một hình ảnh khác lạ của giọt cà phê. Nghĩa của từ “sóng sánh” là mặt nước chao qua chao lại. Ái khanh đã dùng chữ “sóng sánh” để chỉ giọt cà phê đang rơi. Hình ảnh sự rơi của giọt nước trong ly nhờ đó trở nên sinh động hơn trong cảm nhận của ta về nó. Tiếp theo chữ “sóng sánh” là hai chữ “hạt huyền”. Tiếp theo hai chữ “hạt huyền” là ba  chứ “Lặng lẽ rơi”. Cả câu thơ vào đề đã cho giọt cà phê một màu sắc, nằm trong cảnh động của sự rơi và cảnh tỉnh của sự lặng lẽ, trình diện trước mắt ta một bức tranh gói trọn cái đẹp, khiến ta có cảm tình ngay từ phút ban đầu khi ta đọc thơ.
Câu thơ tiếp  theo của vế khai đề, bổ sung ý nghĩa cho câu thơ thứ nhất. Cái sâu đậm của cà phê trong tâm thức mỗi người chính là vị đắng của cà phê. Thường thường các nhà thơ muốn hình ảnh cô đơn của mình sâu lắng hơn bằng cách tả mình ngồi bên tách cà phê đen không đường. Ái Khanh thì khác, nhà thơ không nói ly cà phê đen mà nói ly cà phê nóng. Chữ “nóng” trong câu thơ “Tách cà phê nóng mộng mơ đời” vừa hợp với thanh trắc bó buộc của luật thơ Đường nhưng cũng vừa cho ta biết tâm trạng người ngồi không mang nỗi sầu da diết , không mang nỗi cô đơn khắc khỏi mà nhiều thi nhân hay cường điệu trong thơ mình.

Thât vậy, bước qua khổ thứ hai, tác giả diễn đạt rõ nét hơn tâm trạng của nhà thơ lúc đó:

Đậm đà hương vị say lòng khách
Ấm áp tâm hồn tỉnh dạ tôi

Chữ “khách” trong vế thơ nầy không phải là những người đang uống cà phê trong quán. Chữ “khách” ở đây phải hiểu là nó nằm trong hồi ức của nhà thơ, là kỷ niệm với một người thân yêu đã từng đối tách bên nhau. Vế thơ như chính sự bình dị của nó nhưng mở ra trong tâm hồn ta cảm nhận được một cuộc tình đậm đà, ấm áp đã xảy ra bên hai tách cà phê. Vế thơ cũng cho ta biết người trong cuộc không bi thảm cuộc tình, đang ngồi hồi tưởng niềm vui thân ái và hoa mộng của một thời nào đó đã qua trong đời. Gôm hai vế mở đề và vế trạng, ta thấy Ái Khanh thật là tinh vi, rành tâm lý khi cho giọt rơi của ly cà phê nóng ở hai câu thơ trên để làm cho chữ đậm đà, ấm áp trong hai câu thơ sau, hữu ý tôn cao mối tình đã có, làm thẩm thấu một cách rất tự nhiên tâm trạng của mình vào tâm hồn người đọc.
Qua vê luận của bài thơ, sự chia ly đã đến:

Em ở phương này thèm giọt đắng
Anh về ngõ ấy khát làn môi

Bây giở giọt đắng của cà phê đã biến thành giọt ngọt của cuộc tình, bên nầy thì thèm còn bên kia thì khát. Đọc vế luận của bài thơ, ta đừng nên nghĩ rằng họ không uống cà phê nữa, để đến nỗi người thèm giọt đắng, người khát làn môi. Đọc vế luận của bài thơ, ta phải hiểu rằng họ không còn uống cà phê với nhau nữa. Em thèm giọt đắng là giọt đắng khi có nhau, anh khát làn môi là khao khát ngụm cà phê nhấp môi của ngày xưa, khi có em ngồi bên cạnh. Sự thương nhớ nhau được bày tỏ trong vế thơ nầy, không đớn đau, không nước mắt, chỉ thông qua giọt cà phê mang cả nỗi niềm phân ly, chia cách. Sư thương nhớ đó được thể hiện trong ly cà phê nóng không còn với nhau nữa càng làm cho nỗi buồn trở nên một thú đau thương thi vị trong cuộc sống.
Qua vế kết, nhà thơ chỉ dùng các từ “áo tím” và “dạ thưa” đã làm nổi bậc xứ Huế mộng mơ, nơi mang kỷ niệm êm đềm của cuộc tình đằm thắm, ngây ngất kia đã biến thành thơ:

Dịu dàng "áo tím" tình ngây ngất
Ngọt tiếng "dạ thưa" uống cạn lời

Không biết tự bao giờ màu tím đã trở thành màu chủ đạo khi nói về Huế mộng mơ. Không hiểu vì sao mà màu của sông nước cỏ cây, hoàng thành rêu mốc và đất trời nên thơ trở thành màu của chiếc áo nữ sinh xứ Huế từ xưa. Còn nói đến hai chữ “dạ thưa” thì không ai không nhớ đến hai câu thơ của Bùi Giáng:

“Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”

Dạ, thưa là đặc điểm của người con gái dịu dàng xứ Huế đã được Bùi Giang đưa vào thơ, trở thành câu thơ bất hủ.
Nhà thơ Ái Khanh không cần tả Huế, chỉ cần dùng bốn chữ trên thì một xứ Huế hiện ra đầy đủ trong tâm trí mỗi người. Đó là một phương pháp mô tả ẩn dụ, cô đọng, kích thích sự liên tưởng, phát họa mọi hình ảnh tiềm tàng trong ký ức người đọc thật là tuyệt vời.

Thơ Đường là loại thơ gợi mà không tả. Thơ Đường là loại thơ gởi gắm mà không phân tích, là ngôn ngữ hàm xúc, cô đọng. Thơ Đường dùng số ít để biểu hiện số nhiều, dùng cái hữu hạn để biểu hiện cái vô cùng. Đọc thơ Đường đôi khi phải dùng giác quan trong tiềm năng để nghe được cái thanh trong vô thanh, thấy được cái sắc trong vô sắc thì khoái cảm văn chương sẽ cho ta hiểu bài thơ rốt ráo.
Tôi không dám nói bài thơ “Cà Phê Huế” đạt được những điều trên, nhưng trong chừng mực nào đó, nhà thơ đã phá được sự câu nệ của nhiều người khi cho thơ Đường bí hiểm, khô khan và gò bó. Đọc bài thơ “Cà Phê Huế” ta thấy sự thơ thới trong tình sầu, nỗi niềm xót xa trở nên thơ nhẹ nhàng thanh thoát. Câu từ trong thơ rõ nghĩa, đối ngẫu trong thơ song suốt. Toàn bộ bài thơ gần gũi với mọi người, dễ hiểu và dễ đồng cảm với thơ.
Ái Khanh đã chứng minh Đường thi ngày nay khác với xưa, không phải là con thuyền lỗi thời, dùng để tải thứ đạo xa xôi lạc hậu nữa./.

                                                                               Châu Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét