Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

BẮC CUNG HOÀNG HẬU LÊ NGỌC HÂN - Lê Ngọc Phái

Tác giả Lê Ngọc Phái


BẮC CUNG HOÀNG HẬU LÊ NGỌC HÂN

Bắc cung Hoàng hậu tuổi còn xuân
Đột ngột vua băng buổi tứ tuần (1)
Hai trẻ cút côi – Đau rát ruột!
Nửa chừng góa bụa – Xót thương thân!
Đức tài trí dũng sao oan trái?
Ngôn hạnh công dung lại bạc phần!
Bài “Vãn Ai tư” (2) lời thống thiết
Áng thơ tình sử khóc phu quân.

                     Lê Ngọc Phái



(1) Vua Quang Trung băng hà vào ngày 29.7 năm Nhâm Tý (1792), hưởng thọ 40 tuổi. Lúc ấy Bắc cung Hoàng hậu 22 tuổi, sống chung với vua mới được 6 năm, có hai con là Công chúa Ngọc Bảo (2 tuổi) và Hoàng tử Nguyễn Quang Đức (1 tuổi). Hoàng hậu mất khi 29 tuổi và hai người con cũng mất sớm (Ngọc Bảo lúc 12 tuổi,  Quang Đức lúc 10 tuổi).

(23) Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã viết bài "Ai Tư Vãn" để bày tỏ nỗi đau khổ và tiếc thương cho người chồng anh hùng sớm ra đi. Đây là một áng văn chương bất hủ, đặc biệt là nói lên nỗi đau của cuộc tình ngắn ngủi nhưng sâu đậm và lãng mạn giữa bà và Quang Trung Hoàng đế.





GỞI MẠ - Nguyễn Thanh Bá

Tác giả Nguyễn Thanh Bá


GỞI MẠ

Vừa nghe Quảng Trị lụt dâng to
Mạ hỡi! trong ni con quá lo
Vách đổ nhà xiêu ai chống hộ
Đò rong thuyền dạt ai chèo cho
Cám thiu không thể no lòng lợn
Rơm mục mần răng ngọt miệng bò
Mắt mỏi trông về xa ngái quá
Mong tin ngóng cổ để thăm dò .

                 Nguyễn Thanh Bá



Nguyên văn từ email: thanhbaxb@yahoo.com.vn


NÉT BÚT TÌNH QUÊ - Vĩnh Hoàng


Tác giả Vĩnh Hoàng



Họa bài TÌNH THƠ của Lê Đăng Mành

NÉT BÚT TÌNH QUÊ

Quảng Trị vời xa mấy dặm ngàn
Non Mai, Sông Hãn dệt thêm trang
Sử xanh hồng thắm, tình non nước
Hùng khí oai linh, lắng tiếng đàn
Đất nước chia đôi đau chẳng dứt
Giang sơn liền dãi vẹn đôi đàng
Tình thơ mời gọi về chung bút
Để góc thơ Đường mãi vẻ vang.

                     Vĩnh Hoàng



Nguyên văn từ email: vinhhoang441@yahoo.com.vn

BÃO LỤT QUÊ NHÀ - Nguyễn Thanh Bá, Hạ Thái Trần Quốc Phiệt

Xướng:

BÃO LỤT QUÊ NHÀ

Hay tin bão lụt ở quê nhà
Mắt mỏi trông về sông núi xa
Gạo thóc gói đùm mòn sức mẹ
Cửa nhà chống đỡ yếu tay cha
Rơm nhầy cám hẩm buồn trâu lợn
Lúa mục cơm thiu chán chó gà
Thầm thỉ nguyện cầu ơn phước cả
Cho cơn bão lụt nhẹ nhàng qua !
                Nguyễn Thanh Bá
                      30-9-2013


Họa:

NHỚ QUÊ NHÀ
(Bát cú vận họa)

Anh, gởi vần thơ, đọc nhớ nhà
Tôi, người hoài vọng tháng ngày xa
Quê hương mãi ấm êm tình mẹ
Cố quận vẫn nồng thắm nghĩa cha
Nhớ thuở cơ hàn chung ổ lợn
Thương thời cực nhọc giữ vườn... gà*
Quảng đời dĩ vãng còn nguyên cả
Canh cánh bên lòng khó thoáng qua!
                      Hạ Thái Trần Quốc Phiệt

Cảm họa bài thơ của Thi Huynh NGUYỄN THANH BÁ (để tặng quý đồng hương, đồng trang lứa, từng một thời với quê hương "cày lên sỏi đá", bát mồ hôi chan lấy bát cơm, thấm nỗi đau nơi chôn nhau cắt rốn.)


* Ai từng ở nhà quê mới hiểu: là lúa, đậu.. nói chung là mể cốc sau khi gieo xuống phải giữ gà vào phá, ăn hạt giống.



Nguyên văn từ email: hathaius@yahoo.com


Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

MẶT SÁP - Ngọc Tình họa thơ "Buồn Vì Đạo Học" của Huy Vụ

Tác giả Ngọc Tình


MẶT SÁP

Khuôn mày giống sáp cũng gần như…
Mặt núp tôn thầy dạ quyết từ…
Ba bốn chỉ bài à á vỡ…
Chín mười xong chuyện ứ ừ tư…
Chiều mơ bến đợi tình eo ẻo…
Sáng mộng thuyền về nghĩa lả lư…
Hoa thả tung mồi xong quyệt hẳn…
Mài đầu vắt óc mắng bạn, sư…

TN 28-9-2013
Ngọc Tình

Nguyên văn từ: minhngocdncs@gmail.



                              ĐÃ ĐĂNG: BUỒN VÌ ĐẠO HỌC - Huy Vụ



VÀO THU - chùm thơ Ngọc Châu

Tác giả Ngọc Châu



VÀO THU

Có phải ai vừa khẽ nhắc hè
Rời đi nhường chỗ gió thu se
Để trăng mây ngẩn ngơ xao xuyến
Khiến đất trời sướt mướt ủ ê?
Phượng cố nhuộm thêm viền nắng cuối
Sen còn tỏa nốt chút hương the
Giao mùa khiến cõi lòng hoang vắng
Xa quá người ơi luống hẹn thề!



THU Ở TRƯỜNG SA 

Trường Sa  có cảm thấy thu không?
Giữa lúc bá quyền kéo đến đông
Mặc sói há mồm ngoan cố sủa
Kệ bò le lưỡi liếm lung tung
Biển trời mỗi tấc ngàn năm giữ
Đất nước từng phân vạn kiếp trông
Xin gửi tới người đang giữ nước
Hồn thu đất Việt sáng muôn lòng

NỖI NIỀM CÔ PHỤ - La Thuỵ và các thi hữu


 

 
            NỖI NIỀM CÔ PHỤ
           (Tặng chị Minh Trinh)
 
    Dõi bóng lang quân đã biệt ngàn
    Ôm niềm nhung nhớ héo dung nhan
    Chàng nơi âm cảnh mờ sương khói
    Thiếp chốn phù sinh vịn xóm làng
    Tứ đức sắt son cam khổ nhọc
    Tam tòng chung thủy chịu tân toan
    Chiều xuân đếm tuổi soi màu tóc
    Hoài vọng tri âm dạo khúc đàn
                                       La Thuỵ


                        HOẠ

                      CÔ PHỤ
    Trống trải hoàng hôn lạnh gió ngàn
    Một mình năm tháng mấy lo toan
    Người đi chẳng hiểu câu tha thiết
    Kẻ ở hoài trông giấc lỡ làng
    Tình bạc quên đành ân nghĩa thắm
    Thủy chung nhớ mãi sắc hương tàn
    Nỗi niềm đơn lẽ sầu hiu hắt
    Chẳng trọn tình yêu lỗi nhịp đàn

                                        Nhã My

DANH LỢI - Vĩnh Hoàng, Hạ Thái Trần Quốc Phiệt, Thục Nguyên




Xướng:
DANH LỢI

Lợi danh đeo bám mãi theo đời
Tranh đấu sinh tồn đến hụt hơi
Lợi - Vút diều cao, dây thiếu gió
Danh - Như thuyền nặng, sóng tơi bời
Biển trời khôn tính toan bằng số
Vận mệnh may ra được gặp thời
Danh lợi mà chi đừng ảo vọng
Buông tay trả lại hết cho đời
                Vĩnh Hoàng


Họa:
LỢI DANH

Cái bã lợi danh giữa cõi đời
Lắm người đeo bám đến tàn hơi
Nhân quần sa đọa tình rời rạc
Xã hội nhiểu nhương cảnh rối bời
Dẫm xác tâng công tranh tiến bước
Gièm câu xua nịnh uốn theo thời
Nhân sinh phù phiếm là tro bụi
Sống vậy mà chi nhuốc tiếng đời!
                Ca,USA-Sept, 25,2013
                Hạ Thái Trần Quốc Phiệt


Họa:
MONG...
(Y vận Danh Lợi của Vĩnh Hoàng)

Đời ta chẳng khác mấy người đời
Cũng chạy đường dài muốn bứt hơi
Chẳng phải vì danh cao chót vót
Mà là cuộc sống rối bời bời
Làm giàu làm có, không hy vọng
Cái mặc cái ăn cũng hết thời
Cứ phải đương đầu cùng số kiếp
Mong sao sớm được giã từ đời
               Thục Nguyên


Họa:
ĐOẠN KẾT
(Phụ hứng)

Thoắt cái mà nay đoạn kết rồi
Đời ta chẳng khác mấy người đời
Vào đề vẫn thích câu cà rỡn
Nhập tiệc chưa chừa thói giỡn chơi
Vị đắng vị cay đều thử cả
Cái vinh cái nhục phải đành thôi
Bây giờ tới lúc ra câu kết :
"Mầy chết cũng vừa rồi Thục ơi !"
              Thục Nguyên


Nguyên văn từ email của Hạ Thái Trà Quốc Phiệt: hathaius@yahoo.com


CHÂN QUÊ - Vĩnh Hoàng



Sông Hiếu


CHÂN QUÊ

Sông Hiếu hiền hòa vẫn chảy xuôi
Ra đi nhớ mãi, nhớ khôn nguôi
Nhớ cầu Trầm Trụ liền hai xã
Nhớ suối Khe Mây nối chợ Đuồi
Đá Bạc dốc chờ, nơi hẹn ước
Sân Đình bóng mát chốn vui chơi
Cây đa, bến nước, con đò ấy
Đôi nét chân quê, nhớ suốt đời.

Vĩnh Hoàng


Nguyên văn từ email của Vĩnh Hoàng: vinhhoang441@yahoo.com.vn

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

BUỒN VÌ ĐẠO HỌC - Huy Vụ




BUỒN VÌ ĐẠO HỌC 

Nhân đọc trên báo: thạc sĩ có bằng giỏi xin việc không được phải đi làm công nhân.

          Đời cha với mẹ khổ gần như…
          Quyết trí cho con học chẳng từ…
          Đến lúc ra trường thì mới vỡ…
          Rồi khi xin việc chẳng còn tư…
          Kỹ sư thiếu bạc nom hình ẻo…
          Thạc sĩ không ngân ngó dáng lừ…
          Chín suối thầy Chu* mà biết hẳn…
          Đập bàn mà chưởi bố tiên sư…

                                          Huy Vụ


         * Thầy Chu: tức Chu Văn An


Nguyên văn từ email: nguyenhuyvu62@gmail.com


CỔ TÍCH - Thy Lệ Trang

                       



CỔ TÍCH

Dừng chân rừng vắng, nhẹ tênh lòng
Bát ngát ngàn hoa dại nở bông
Róc rách ven đồi giòng suối trắng
Xuyên ngang triền núi ánh dương hồng
Em đan sim tím cài trên tóc
Anh buộc thuyền con đợi cuối sông
Như chuyện thần tiên thời cổ tích
Đôi ta say đắm mối duyên nồng

THY LỆ TRANG
MASSACHUSETS

Nguyên văn từ email: thyletrangntc@yahoo.com

ÁI NGỮ CÒN ĐÂU - Trần Thị Quỳnh Hoa và Hồ Trọng Trí họa thơ Vĩnh Hoàng





ÁI NGỮ CÒN ĐÂU!

Ngọn đuốc từ bi vụt tắt rồi!
Tình người lạnh lẽo  thế … chao ôi!
Mong nghe giọng nói êm đềm giọng
Chỉ thấy lời tuôn đắng ngắt lời
Tâm hạnh bên trời còn nở rộ
Thiện nhân theo gió đã xa rời
Xin anh thắp lại lòng thân ái
Xoa dịu niềm đau giữa chợ đời.

TT. Quỳnh Hoa



NGẪM ĐỜI

Xã hội hôm nay đã thế rồi
Lợi quyền thao túng - ngẫm than ôi!
Người ăn nhẵn mặt chưa vừa bụng
Kẻ chịu trơ xương dẫu hết lời!
Đạo nghĩa muôn lòng mong giữ vẹn
Dã tâm một lũ muốn phân rời
Giai không vạn hữu vô thường tại
Sao chẳng vô tư sống với đời?

Hồ Trọng Trí
Kim Long, BRVT



Bài Xướng: NGHỀ CAO QUÝ

Bệnh viện nào đây ...? cũng chật rồi
Nỗi đau người bệnh đáng thương ôi!
Lừa con nước đục ... cò thêm béo
Chịu tiếng hàm oan ... bác nghẹn lời
Y đức sáng trong tâm quyết giữ
Tinh thần nhân ái, chí không rời
Làm nghề cao quý, lòng cao thượng
Xã hội tôn vinh đẹp ý đời.


Vĩnh Hoàng    

TÌNH THƠ - Lê Đăng Mành và Phương Ngữ-Trương Đình Đăng



TÌNH THƠ
(Thơ mời họa)

Kính Tặng Góc Thơ Đường VNQT

Thu vây sương khói bủa non ngàn
Trăng gió ươm mầm tới điểm trang
Nắn nót tám câu cài nhạc điệu
Chuốt trau bảy chữ bện cung đàn
Hằng mơ xướng họa luôn đằm thắm
Những ước ca ngâm bớt điệu đàng
Một góc tình thơ nhuần khí bút
Nguyễn Hoàng Quảng Trị mãi ngân vang

Lê Đăng Mành 

 
Cầu Câu Nhi



TRI ÂM
Họa thơ Lê Đăng Mành

Một góc Đường thi vượt dặm ngàn
Thắm tình phố thị nghĩa thôn trang
Tám câu tri ngộ gieo lời ngọc
Năm vận tương giao rót điệu đàn
Lộng ngữ dẫu dùng khi tiếu ngạo
Chính tâm đừng gửi chốn hoang đàng
Gom từ góp bút khơi nguồn cảm
Quảng Trị quê nhà tiếng vọng vang.


Phương Ngữ - Trương Đình Đăng


GỞI ÔN NGOÀI NỚ - Nguyễn Thanh Bá và thi hữu



GỞI ÔN NGÒAI NỚ
(Thơ mời họa)

Ai về ngoài nớ gởi thăm ôn
Lụt lội năm ni có lút cồn ?
Nắng ráo lo đào mương cuốc đất
Mưa trơn thì nhổ cỏ lôn môn
Đồng su nước ngập tung tăng cá
Ruộng cạn tràn đê múa máy tôm
Mót nhánh củi nè hun bếp khói
Nếu không đủ ấm - tới bà ôm!
                Nguyễn Thanh Bá
          thanhbaxb@yahoo.com.vn



BÀI HỌA 1 :
NHẮN ENG

Eng ở mô hè hãy dặn ôn
Chộ khoai Nghi Lộc ghé thăn cồn
Nhớ cày mụn đất sung cây mạ
Chăm tưới cây vồng tốt bụi môn
Suối cạn chong đèn soi mắt cáy
Vực sâu thả lưới nắm râu tôm
Gió lào thổi rát ta cần quạt
Rét cắt không mền có mụ ôm.
                 Gió Phương Nam

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

NỖI LÒNG - Trương Điện Hòa


Trương Điện Hòa



Nỗi nhớ nào hơn nỗi nhớ nhà
Quê hương xứ Quảng ngút ngàn xa
Rằng lòng lữ thứ luôn hoài tưởng
Biết kẻ làng xưa có thiết tha
Cánh nhạn hút chìm chân núi thẩm
Bờ đê vàng ối ánh dương tà
Trong tôi nơi ấy đầy thương mến
Ngọt, đắng tình quê vẫn mặn mà.

TDH


CÓ MỘT VẦNG TRĂNG - Đinh Vũ Ngọc


Tác giả Đinh Vũ Ngọc


CÓ MỘT VẦNG TRĂNG

Ta về thăm Huế, Huế thơ ơi
Không hẹn, từng năm vẫn nhớ lời
Lặng lẽ hồ xưa, sen trắng rã
Đìu hiu ngõ cũ, trúc vàng rơi
Ta tìm ở Huế hương hoài niệm
Huế giữ dùm ta mộng thiếu thời
Có một vầng trăng riêng của Huế
Ta mang đi khắp bốn phương trời.

ĐVN



VỀ THĂM HUẾ

Ta trở về đây khách viễn phương
Mơ màng tình Huế nhớ quê hương
Tịnh Tâm hồ lắng, tâm chưa lắng
Vĩ Dạ người thương, dạ mãi thương
Lối hẹn Nam Giao đường ngược dốc
Trăng thề Bến Ngự nước mờ sương
Môi ai cười thắm hoa thành nội
Có nhạo cười ta tóc điểm sương.

ĐINH VŨ NGỌC

(Hội An)
Tặng Nam Phong-Nguyễn Thái Ất
Tháng 8/2013


Đăng nguyên văn từ bản của tác giả tặng VNQT.


Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

TƯỞNG NHỚ VUA LÊ THÁI TỔ - Lê Ngọc Phái

580 năm ngày vua Lê Thái Tổ băng hà

Tượng đức vua Lê Thái Tổ tại thành phố Thanh Hóa
Ảnh từ Báo Đà Nẵng


Vua Lê Thái Tổ băng hà ngày 22.8 âm lịch (Hôm nay là 21.8 AL). Trước khi mất Ngài có dặn con cháu phải làm giỗ cho tướng quân Lê Lai trước ngày húy của Ngài. Vì thế dân gian có câu "Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi"

Nhân dịp này mời quý anh chị cùng chia sẻ với chúng tôi về bài thơ tưởng nhớ những anh hùng dân tộc của đất nước chúng ta.

Chúc chư vị được an khang.

Lê Ngọc Phái          



TƯỞNG NHỚ VUA LÊ THÁI TỔ
Từ trần ngày 22. 8 Âm lịch (1433)

Bình Định Vương (1) vào núi Chí Linh
“Nằm gai nếm mật” (2) luyện quân mình
Lê Lai cứu chúa làm Lê Lợi
Nguyễn Trãi dâng bài (3)  dẹp giặc Minh
Áp bức!  - Đấu tranh dành tự chủ
Xâm lăng!  - Kháng chiến tạo yên bình
Anh hùng dân tộc lưu gương sáng
Binh tướng giặc Tàu mãi thất kinh.

LNP


(1) Từ khi quân nhà Minh sang cai trị, dân ta phải khổ nhục trăm đường. Đến mùa xuân năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi khởi binh ở núi Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương. Quân lính đã 3 lần về núi Chí Linh để củng cố lực lượng.

Sau cùng, Lê Lợi đã đánh đuổi được quân Minh, lên ngôi Hoàng đế năm 1428, tức là vua Lê Thái Tổ, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở Thăng Long.                                                                                                                     
(2)        Theo Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi.

(3)        Bình Ngô sách trong đó Nguyễn Trải vạch ra các kế sách đánh giặc Minh.
                                                                        



TƯỞNG NHỚ LÊ LAI
(Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi)

Giả làm Lê Lợi - tướng Lê  Lai
Áo mũ cân đai nịt chiến hài
Tung kiếm điều quân đầy nhiệt huyết
Cưỡi voi xung trận đóng tròn vai
Liều thân cứu Chúa vì sông núi
Quyết chí diệt Minh tỏ sức tài
Trung Túc (1) anh hùng dân nước Việt
Lũng Nhai - Kỷ Tín (2) vẹn thề trai.

LNP

(1)        Sau khi Lê Lợi lên ngôi vua, Lê Lai được truy tặng là “Sùng trung Đồng đức hiệp mưu bảo chính Lũng Nhai công thần.”, hàm thiếu uý, thụy là Toàn Nghĩa. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông gia phong ông làm Trung Túc vương.

(2)        Năm 1416, Lê Lai cùng Lê Lợi và các tướng lĩnh khác tham gia “Hội thề Lũng Nhai”, thề sống chết có nhau, nguyện chung sức đánh đuổi quân Minh xâm lược. Kỷ Tín (Trung Quốc) khoác hoàng bào chết thay vua Hán Cao Tổ. 
                                                                                             


NGUYỄN TRÃI TIÊN SINH
Mất ngày 16.8 Nhâm Tuất (19.9.1442) 

Ức Trai lập chí thật trung kiên
Tận lực phò vua bậc đại hiền
Trí dũng hơn người - tầm kiệt xuất
Cơ mưu thắng giặc – cỡ siêu nhiên
Yêu thương đất nước, nêu gương sáng
Bảo vệ giống nòi, rạng khí thiêng
Thế sự đa đoan đành hệ lụy
Nỗi niềm oan khuất Lệ Chi Viên!!!

Lê Ngọc Phái


Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai, thi đỗ Thái học sinh năm 1400, là mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày tính mưu kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh. Ông là khai quốc công thần và là văn thần có uy tín ở thời đầu nhà Hậu Lê.Tuy nhiên, năm 1442 toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. 

Năm1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông. Nguyễn Trãi cũng là một nhà văn hóa vĩ đại, có đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam.